World Cup 2022 Nỗi đau của Ronaldo
Ở tuổi 37, Ronaldo vào sân thay người và rướn hết mình để cứu lấy cơ hội vô địch World Cup đang vuột mất. Nhưng giấc mơ đã mãi mãi không về.
Chính Ronaldo cũng khao khát điều này hơn bao giờ hết. Anh là đội trưởng nhưng bị “ra rìa” ở giải lần này vì gánh nặng tuổi tác cùng phong độ không tốt. Ronaldo sẵn sàng nhận vai trò anh yêu thích nhất: Cứu tinh, cho không chỉ Bồ Đào Nha mà còn giữ lại hi vọng của chính anh.
Nỗ lực đến kiệt cùng
Không ai có thể phủ nhận sự nỗ lực của Ronaldo, dù thống kê của anh một lần nữa không ấn tượng: Theo Sofascore, trong 39 phút có mặt trên sân CR7 chạm bóng chỉ 10 lần, chuyền chính xác chỉ 60% (3/5 lần), có 1 đường chuyền tạo ra cơ hội ăn bàn, 1 lần dứt điểm trúng đích; anh thắng tranh chấp tay đôi 1/1 lần, thắng tranh chấp bóng bổng chỉ 1/3 lần, để mất bóng 5 lần và bị phạm lỗi 1 lần.
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng khi có mặt trên sân của CR7 chỉ là 0,05 bàn.
Ronaldo là chủ nhân của cơ hội nguy hiểm bậc nhất của Bồ Đào Nha nhưng bóng không đi vào lưới.
Nhưng, những con số vô cảm ấy không thể lột tả ánh lửa bừng bừng trong đáy mắt CR7: Trong thời khắc sinh tử của ĐTQG, anh thực sự đã rướn hết mình để tái hiện sự oai phong lẫm liệt ngày nào. Cú dứt điểm ở phút 90+1 của CR7, thực tế là một trong những cơ hội nguy hiểm nhất của Bồ Đào Nha trong trận đấu này.
Để làm được điều đó, Ronaldo đã bứt tốc vào khoảng trống giữa hai hậu vệ đang theo kèm mình sát sạt, cũng như căn chỉnh rất đẳng cấp để tung chân sút ngay chạm đầu tiên. Lực đi là đủ, độ chính xác cũng có, chỉ tiếc thay góc sút khá hẹp và đứng trong khung gỗ là một Bono đang bắt những trận hay nhất trong cuộc đời mình.
Để rồi khi cuộc chơi kết thúc, khi Morocco làm nên lịch sử cho bóng đá châu Phi, cũng là lúc nước mắt Ronaldo rơi.
Khoảnh khắc ấy, khi khóc từ thảm cỏ vào đến đường hầm, có lẽ anh cũng không quan tâm đến rừng ống kính đang chĩa vào mình, chẳng quan tâm đến những lời đàm tiếu nữa. Vì đó là nước mắt của sự tiếc nuối khôn nguôi, tiếc cho mảnh ghép có thể mãi mãi dang dở của một sự nghiệp vĩ đại.
Dở dang để lại
“Chúng tôi đã vô địch EURO 2016, và bây giờ chúng tôi muốn giành World Cup. Mọi thứ đều có thể”, Ronaldo đã khẳng định như thế, khi được hỏi về mục tiêu tiếp theo trong sự nghiệp ở cuộc phỏng vấn với Sky Sports ngày cuối năm 2020.
“Tôi đã chiến thắng với mọi CLB. Tôi cũng đã giành hai danh hiệu với ĐT Bồ Đào Nha. Những điều đó giúp tôi hạnh phúc, nhưng World Cup vẫn là giấc mơ thực sự khác biệt. Sẽ rất khó, nhưng chúng tôi là một đội bóng mạnh mẽ và trẻ trung. Chúng tôi cũng có một HLV tuyệt vời và do đó, chúng tôi rất lạc quan”, anh nói cách đây hai năm.
Thời điểm ấy, khi được hỏi liệu có e ngại vấn đề tuổi tác trong công cuộc chinh phục World Cup hay không, Ronaldo cũng tự tin: “Nếu bạn cảm thấy có động lực, tuổi tác không còn quan trọng”.
Không ai có thể nghi ngờ động lực của Ronaldo khi bảng thay người được giơ lên tại sân Al Thumama, nhưng nhiều yếu tố khác đã không được như ý, trong đó bao gồm cả ảnh hưởng của tuổi tác. Mà tuổi tác và phong độ, thì đã tác động đến Ronaldo kể từ đầu giải chứ không chỉ riêng trận đấu này.
Ronaldo chỉ ghi được 1 bàn ở World Cup năm nay, bằng với thành tích của anh ở các kỳ World Cup 2006, 2010 và 2014, tức còn kém xa so với khi anh ghi 4 bàn ở mùa Hè nước Nga 2018.
Dấu ấn lớn nhất của Ronaldo ở Qatar, như vậy chỉ là cú đá phạt đền cực căng hạ gục thủ môn Ghana ở trận ra quân và qua đó, lập kỷ lục ghi bàn ở 5 kỳ World Cup liên tiếp. CR7 thực tế cũng cân bằng thêm một kỷ lục nhờ vào sân thay người ở vòng Tứ kết này, khi trở thành người khoác áo ĐTQG nhiều nhất lịch sử, cùng thành tích với cựu cầu thủ Kuwait Bader Al-Mutawa.
Nhưng có lẽ, chính số 0 tròn trĩnh này mới ám ảnh Ronaldo nhất, có thể đến tận khi giải nghệ: Anh chưa từng ghi một bàn thắng nào ở vòng knock-out của World Cup. Ngay cả khi Bồ Đào Nha đè bẹp Thụy Sĩ đến 6-1 ở vòng 1/8 vừa qua, CR7 cũng không thể ghi bàn dù có gần 20 phút thi đấu trên sân.
Trước giải năm nay, Lionel Messi cũng chưa từng ghi bàn ở vòng knock-out World Cup, nhưng anh đã phá dớp với pha cứa lòng vào lưới tuyển Mỹ ngay từ vòng 1/8. Một chi tiết càng khiến Ronaldo đau đớn hơn.
Ronaldo kết thúc sự nghiệp tham dự World Cup mà không ghi nổi dù chỉ 1 bàn ở vòng knock-out.
Giấc mơ tan vỡ
Khi xứ cờ hoa mở hội cùng hai nước láng giềng sau đây 4 năm nữa, Ronaldo đã ở tuổi 41. Thật khó có thể tin anh còn được gọi lên ĐTQG. Và kể cả trường hợp trở thành một cây trường sinh như Zlatan Ibrahimovic, liệu Ronaldo có còn giữ được sức ảnh hưởng trong đội hình, khi mà ngay mùa Đông năm nay đã sắm vai dự bị trong nhiều trận đấu?
Giấc mộng vô địch thế giới của CR7, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá, vì vậy mà 99,99% đã lỡ làng. Anh sẽ trở thành cái tên tiếp theo nối dài danh sách những huyền thoại chưa từng vô địch World Cup, như Michel Platini, Johan Cruyff, Marco van Basten, Ferenc Puskas, Alfredo Di Stefano hay người tiền bối đồng hương Eusebio.
Nơi Ronaldo từng tiến xa nhất nơi đấu trường thượng thặng này, có thể cũng chính là vòng bán kết World Cup 2006, kỳ cúp thế giới đầu tiên CR7. Đó là kỷ niệm từ 16 năm trước, khi anh cùng đồng đội ra về sau bàn thắng từ chấm phạt đền của Zinedine Zidane.
10/12/2022, Ronaldo rồi sẽ nhớ kỹ ngày này, khi giấc mơ của anh vĩnh viễn kết thúc.