Ronaldo cũng góp phần tạo hấp lực thu hút Messi đến Arab Saudi

Tuần qua, Lionel Messi đã vắng mặt trong trận đấu gần nhất của PSG. Anh bị CLB treo giò 2 tuần, sau khi tiền đạo này tự ý di chuyển tới Saudi Arabia, nơi Messi đang có vai trò đại sứ du lịch của quốc gia vùng Vịnh này.

Hôm qua, cả thế giới đã lên cơn sốt khi trang twitter của Football Talk xác nhận thông tin: “Thương vụ chuyển nhượng Leo Messi sang Saudi Arabia đã thành công”. AFP cũng đưa tin, Messi đã đồng ý chuyển sang Trung Đông bằng một thỏa thuận trị giá 400 triệu bảng với CLB Al-Hilal. Điều đó sẽ đưa Messi “cướp” danh hiệu Cầu thủ được trả lương cao nhất hành tinh của Ronaldo khi gia nhập CLB Al-Nassr.

Diễn tiến này không hề mang tính “bất thình lình” mà là kết quả của chuỗi vận động. Sau khi lên ngôi vô địch World Cup ở Qatar hồi tháng 12 năm ngoái, Messi đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến quyền lực kỳ lạ giữa PSG – đội bóng thuộc sở hữu của Qatar, và nước láng giềng Saudi Arabia của Qatar.

Trong khi đó, đối trọng số 1 trong suốt nhiều năm với Messi là Cristiano đã trải qua nửa mùa giải chơi cho câu lạc bộ Ả Rập Saudi Al Nassr. Việc Ronaldo cập bến Al Nassr tháng 1 năm nay đã khiến lượng người theo dõi CLB trên Instagram tăng từ 800.000 lên hơn 14 triệu chỉ trong vòng 3 tháng.

Tuy nhiên, Al Nassr đã gặp những xáo trộn trên băng ghế huấn luyện, rồi đến việc chủ tịch CLB Al-Muammar từ chức, thành tích thi đấu suy giảm và những dấu hỏi đã được đặt ra về việc liệu một ngôi sao đã bước vào những năm tháng cuối sự nghiệp như Ronaldo có phù hợp để thi đấu cho một đội bóng và giải đấu như vậy hay không.

Dù vậy, Ronaldo vẫn trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất trong lịch sử bóng đá sau khi anh ký hợp đồng dài 2 năm rưỡi với trị giá 173 triệu bảng/năm. Trong khi đó, Messi cũng đã ký một thỏa thuận béo bở với nhà nước Ả Rập Saudi.

Messi đang trải qua giai đoạn sóng gió với CLB PSG và các CĐV

Mặc dù vai trò của Messi là nhằm thúc đẩy du lịch, nhưng nó cũng thu hút sự quan tâm của toàn cầu tới Ả Rập Saudi trong việc giành quyền đăng cai World Cup 2030, một phần trong chiến lược “Tầm nhìn 2030” của một quốc gia đang tìm cách “giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển các lĩnh vực dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, giải trí và du lịch”.

Và như thường lệ, câu chuyện về Messi và Ronaldo luôn là tâm điểm của dư luận, và chủ đề của các cuộc thảo luận hiện nay là “những việc hai siêu sao này đang làm sẽ ảnh hưởng thế nào đến hình ảnh của họ sau khi cả hai từ giã sân cỏ”.

Di sản bóng đá của cả Ronaldo và Messi đều rất đồ sộ. Nhiều người sẽ nhớ tới những điểm nổi bật trong sự nghiệp của hai cầu thủ này hơn là toàn bộ hành trình bóng đá của họ. Rất ít fan của Ronaldo nhắc đến cú sút hỏng của Ronaldo trong loạt sút luân lưu ở trận chung kết Champions League 2008. Thay vào đó, họ thích nói về những cú đánh đầu xuất sắc của anh trong những trận đấu khác.

Các fan của Messi thường không muốn thảo luận về màn trình diễn của anh trong các trận chung kết Copa America 2015 và 2016, mà hướng sự chỉ trích về đồng đội của anh – Gonzalo Higuain, với những pha hoang phí cơ hội trước khung thành.

Những thất bại làm hoen ố sự nghiệp thi đấu của các VĐV thường được bỏ qua, nếu sau đó họ giành chiến thắng. Đó cũng là cách di sản thể thao được hình thành. CĐV của Messi và Ronaldo cho rằng, những hành động gần đây của bộ đôi này trong giai đoạn cuối sự nghiệp nhằm tận dụng tối đa năng lực còn lại của họ trong những bối cảnh khác nhau để kiếm những khoản tiền lớn.

Không giống như các ngành nghề khác, cầu thủ bóng đá được trả lương cao và đương nhiên sẽ tìm kiếm mức thu nhập cao nhất. Điều này không có gì mới. Sự thay đổi ở đây là các quốc gia và giải đấu đang cạnh tranh với nhau đưa ra mức giá khó từ chối nhất với các siêu sao bóng đá.

Trong quá khứ, Johan Cruyff và George Best đã kiếm được khoản hưu trí hậu hĩnh trong những năm chơi bóng ở Hoa Kỳ. Pele gia nhập New York Cosmos và xuất hiện trong rất nhiều quảng cáo đến nỗi điều đó đã được đề cập đến trong một tập phim hoạt hình The Simpsons. Điều tương tự cũng xảy ra trong những năm sau này ở MLS với những trường hợp của Bastian Schweinsteiger, Andrea Pirlo, Steven Gerrard và Thierry Henry.

Trong một thời gian ngắn, cụ thể là năm 2010, giải VĐQG Nga nổi lên như một miền đất hứa cho các cầu thủ muốn “dưỡng già”. Roberto Carlos, 37 tuổi, đã có 28 lần ra sân cho Anzhi Makhachkala ở vị trí tiền vệ phòng ngự, cùng với đồng đội Samuel Eto’o.

Sau đó là sự bùng nổ bóng đá ở Trung Quốc. Qatar là sân khấu cho những màn trình diễn cuối cùng của Gabriel Batistuta và Xavi. Lần cuối cùng Fernando Torres xỏ giày thi đấu là ở Nhật Bản, nơi Andres Iniesta vẫn ra sân trong màu áo Vissel Kobe dù sắp bước sang tuổi 39 trong tuần tới. Còn giải Super Lig của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là mảnh đất lành với những “ông già” đến từ Premier League.

Vì vậy, đối với những ai yêu mến Messi hay Ronaldo, những gì họ đang làm chẳng có gì sai cả. Cả hai chỉ đang tìm cách tối đa hóa thu nhập trong những năm tháng cuối sự nghiệp, sau khi họ đã cống hiến rất nhiều cho bóng đá khi ở đỉnh cao sự nghiệp.

Messi và Ronaldo đã trở nên rất giàu có nhờ bóng đá và quảng cáo nhãn hàng. Tại sao quảng cáo nước hoa lại khác biệt với quảng cáo cho World Cup ở Ả Rập Saudi? Pep Guardiola và Xavi cũng là đại sứ trong chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2022 của Qatar và điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến danh tiếng của họ.

Chính Ronaldo cũng góp phần tạo hấp lực thu hút Messi đến Arab Saudi

Câu hỏi về mức độ liên kết của Messi – Ronaldo với Ả Rập Saudi ảnh hưởng ra sao đến di sản của họ phần lớn phụ thuộc vào mức độ CĐV mong đợi cầu thủ yêu mến trở thành tấm gương đạo đức lớn thế nào. Hai trong số những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại có nên sử dụng tiếng nói của mình tốt hơn để nói về những gì họ tin rằng sẽ là tương lai của môn thể thao này không?

Đối với một số người, sẽ là hoàn hảo nếu Messi và Ronaldo không tham gia vào các hoạt động kiếm tiền, nhưng cả hai đều có truyền thống cởi mở với những lời đề nghị phù hợp. Và ở năm 2023, phía đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn dành cho hai siêu sao này là Ả Rập Xê Út, chứ không phải các câu lạc bộ như Real Madrid hay Barcelona.

Các nhà phê bình có thể (và nên) chỉ ra đúng những điểm gây tranh cãi của Ả Rập Xê Út và cách nước này sử dụng thể thao để đổi mới nhận thức của công chúng. Những kẻ gièm pha Messi và Ronaldo có lý do chính đáng để đòi hỏi Ronaldo và Messi, khi cả hai người này từng tự làm hoen ố hình ảnh của mình với các cáo buộc gian lận thuế hay hiếp dâm trong thời gian ở Tây Ban Nha.

Mặc dù việc cả hai theo đuổi mức lương cao nhất không khiến chúng ta ngạc nhiên, nhưng vẫn có chút thất vọng. Hồi tháng 12, người đại diện của Messi đã từ chối bình luận về việc liệu siêu sao này có sẵn sàng nhận một khoản tiền lớn từ một quốc gia có liên quan đến vi phạm nhân quyền.

Trong buổi ra mắt ở Ả Rập Saudi đầu năm nay, Ronaldo nói: “Đối với tôi, đây là một cơ hội tuyệt vời, không chỉ vì bóng đá mà còn là để thay đổi tâm lý của thế hệ mới. Tôi biết mình muốn gì. Tôi thực sự không lo lắng về những gì mọi người nói. Tôi thực sự hạnh phúc khi được ở đây.

Tôi là một cầu thủ độc nhất vô nhị và thật tốt khi đến đây. Trước đây, tôi đã phá tất cả các kỷ lục, và sẽ tiếp tục làm điều đó ở đây. Hợp đồng này là duy nhất, nhưng tôi là một cầu thủ đặc biệt nên đối với tôi điều này là bình thường”.

Bất chấp cáo buộc độc tài, vi phạm nhân quyền hay tài trợ khủng bố, Saudi giờ trở thành mái ấm của 2 huyền thoại Ronaldo và Messi

Nhưng bóng đá không phải là hình thức giải trí duy nhất được Ả Rập Xê Út đầu tư như một phần của “Tầm nhìn 2030”. Quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi tài trợ cho giải đấu LIV Golf li khai gây tranh cãi trong khi WWE sẽ tổ chức sự kiện trả tiền theo lượt xem Night of Champions trong tháng này tại sân vận động Super Dome ở Jeddah.

Địa điểm đó cũng tổ chức trận tái đấu giữa Oleksandr Usyk và Anthony Joshua để tranh đai quyền Anh hạng nặng WBA, IBF, WBO và IBO. Khi được hỏi về quyết định tham gia các trận đấu trong khu vực, Eddie Hearn – ông bầu của Joshua cho rằng, những lời chỉ trích như vậy là không công bằng với số lượng thương hiệu phương Tây và các giải đấu thể thao xuất hiện ở đó.

Hearn nói: “Đêm qua tôi đang lái xe trên đường và nghĩ về tất cả những lời chỉ trích nhận được và tôi đã vượt qua Gucci, Starbucks, Dunkin’ Donuts, Versace và Ralph Lauren.” Mối quan hệ của Messi và Ronaldo với Ả Rập Saudi chỉ đơn giản là sự khai thác hình ảnh của hai thương hiệu hiện đại và hấp dẫn với đại chúng.

Việc ký hợp đồng với hai siêu sao này nhằm tìm kiếm các khoản đầu tư khổng lồ từ những cá nhân giàu có muốn giải trí hoặc sử dụng giải trí như một phương tiện để đánh bóng hình ảnh của họ. Các đội bóng giàu tham vọng được nhà nước hậu thuẫn để trả lương cho hai trong số những cầu thủ vĩ đại nhất từ trước đến nay.

Có phải Messi và Ronaldo đã làm hoen ố di sản của họ khi nhận tiền từ Ả Rập Saudi? Chắc hẳn những người từng coi họ là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại sẽ không thất vọng với những lựa chọn gần đây của họ. Cả hai đều trở thành những siêu sao bóng đá kiệt xuất bằng sự nỗ lực và cường độ lao động lớn hơn những người đi trước họ. Sự nghiệp đầy vinh quang của họ được dựng xây nhờ mồ hôi, nước mắt chứ không được phủ bọc bởi sự hào nhoáng giả tạo.

Sự cạnh tranh của Messi và Ronaldo tại Barcelona và Real Madrid – hai CLB sẽ đá trận Siêu cúp Tây Ban Nha tổ chức hàng năm ở Ả Rập Saudi, sẽ tạo thành “xương sống” của bất kỳ cuộc tranh luận nào về việc ai vĩ đại hơn.

Chỉ có một chút đáng tiếc khi hai trong số những nhân vật tài năng nhất mà thế giới bóng đã từng sản sinh lại tồn tại vào thời điểm mà môn thể thao này ngày càng được sử dụng như một món đồ trang sức dành cho những cá nhân quyền lực, thay vì dành cho số đông những người thực sự yêu mến trái bóng tròn.